ĐẬU SỊ
Còn có tên là đạm đậu sị, đỗ đậu sị, hăm đậu sị
Tên khoa học Semem Sọae Praepartum
Đậu sị là đậu đen đã chế biến và phơi hay sấy khô . Trong Đông y, vị thuốc này được dùng chữa các bệnh như cảm mạo, thương hàn, sốt…
Chế đậu sị:
Có nhiều cách chế biến đậu sị, sau đây là một số phương pháp thường dùng:
- Đậu đen rửa sạch, ngâm nước một đêm, sau đó đồ chín. Rải đều trên nia, đợi cho ráo nước thì phủ lá chuối lên cho kín. Đợi 3 ngày mở ra xem nếu thấy mốc vàng đều là được.
- Vẩy nước cho ẩm đều, cho vào thúng phủ lá dâu tằm cho kín, khi lên mốc vàng đều, đưa ra phơi khô rồi tưới nước cho ẩm đều, phủ lá dâu tằm và ủ; cứ làm như vậy cho tới khi tất cả đậu có mốc vàng đều thì lấy ra phơi khô là được.
Công dụng:
Đậu sị hay đạm đậu sị là một vị thuốc dùng theo kinh nghiệm lâu đời. Theo tài liệu cổ, đậu sị vị đắng, tính hàn, vào hai kinh phế và vị, có tác dụng giải cảm, trừ phiền. Nó được dùng làm thuốc thanh nhiệt, chữa chứng khi sốt, khi rét, đầu nhức, ngực đầy trướng, phiền nhiệt. Những người không phải phong hàn ngoại cảm không dùng được.
Hiện nay đậu sị thường được dùng chữa cảm mạo, thương hàn, đầu nhức, sốt, sốt rét, trong người phiền muộn, hai chân lạnh nhức. Mỗi ngày dùng 12-24 g dưới dạng thuốc bột hay thuốc sắc.
Đơn thuốc có đậu sị dùng trong nhân dân:
- Trẻ em bị dị ứng, mẩn ngứa: Đậu sị sao cho cháy có khói lên, hết khói thì lấy ra tán nhỏ, hòa dầu vừng, dầu lạc (hoặc dầu thầu dầu, mỡ lợn) bôi lên nơi lở loét.
- Mụn nhọt, đinh độc: Nấu đậu sị cho nhừ nát, đắp vào nơi sưng đau. Chừng 3-4 lần là đỡ và khỏi.
- Chữa hen suyễn: Đậu sị 40 g, khô phàn 12 g, tất cả tán nhỏ, viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 7 đến 9 viên. Uống trước khi đi ngủ. Theo kinh nghiệm nhân dân, khi uống thuốc này không dược dùng thức ăn nóng hay nước nóng. Không nên dùng quá liều. Thường chỉ dùng trong vòng 7-8 ngày.