ĐÔNG QUỲ TỬ
Cây thảo sống 2 năm, thân cao hơn 3m, lá dạng như bàn tay chẻ 5 hoặc chẻ 7, mép có răng cưa, lá mọc cách có cuốn dài, giữa mùa đông xuân lá ở nách sinh hoa nhỏ
Xuất xứ: Bản Kinh.
Tên khác: Phần (Mao Thi), Thâu (Nhĩ Nhã), Lộ qùy (Bản Thảo Cương Mục), Hoạt thái (Tục Danh), Hoạt qùy tử, Kỳ thái tử, Đằng thái tử, A úc tử, Hướng nhật quỳ tử (Hoà Hán Dược Khảo), Quỳ tử (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa học: Malva verticilata Linn.
Họ khoa học: Malvaceae.
Mô tả: Cây thảo sống 2 năm, thân cao hơn 3m, lá dạng như bàn tay chẻ 5 hoặc chẻ 7, mép có răng cưa, lá mọc cách có cuốn dài, giữa mùa đông xuân lá ở nách sinh hoa nhỏ, màu trắng có lẫn tím, hoa 5 cánh, hình tim ngược.
Địa lý: Có nhiều ở Trung Quốc, hay gặp ở Giang Tô Hà Bắc. Cây này chưa thấy ở Việt Nam.
Phân biệt:
1- Ở Việt Nam nhiều người dùng hạt của cây hoa Vông Vang (Hibiscus abelmoschus L) để thế cho Đông quỳ tử (Xem: Hoàng quỳ).
2- Hiện nay ở Trung Quốc dùng Đông quỳ tử với hạt của cây Quýnh ma còn gọi là Mảnh ma, Bạch ma có tên khoa học là (Abutilon avicennae Gaertn, Abutilon theophrasti Medic) không phải là cây Đông quỳ như mô tả ở trên. Cần tham khảo và nghiên cứu thêmn (Xem: Quýnh Ma).
Thu hái, sơ chế: thu hái vào tháng 7.
Phần dùng làm thuốc: Hạt.
Mô tả dược liệu: Hạt biểu hiện hình thận, một đầu hơi nhọn, lép, hơi lõm xuống, dài chừng hơn 3,2mm, mặt ngoài biểu hiện màu nâu, bộ phận rốn hạt lõm xuống phân ra màu nâu vàng, nhân của hạt màu vàng trắng, có nhiều dầu.
Bào chế: Rửa sạch phơi khô, rây qua để bỏ bùn, mày nhỏ và tạp chất, đâm vụn dùng.
Tính vị: Vị ngọt, Tính rất lạnh, hoạt.
Quy kinh: Vào kinh Đại trường, Tiểu trường.
Tác dụng: Nhuận táo, hoạt trường, lợi đại tiểu tiện, thông lâm, xuống sữa.
Chủ trị: Trị phù thũng, bón, sữa không thông.
Liều dùng: 6-15g. Toàn cây 9g-30g.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai cấm dùng. Đây là vị thuốc hoạt lợi không có ngưng trệ thì cấm dùng.
Bảo quản: Để nơi khô ráo, đậy kín.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Thai chết lưu: Đông quỳ tử tán bột, uống với rượu, 1 muỗng thuốc, nếu miệng cấm khẩu không mở, cậy miệng đổ vào (Thiên Kim Phương).
+ Nhau không ra (sót nhau), Đông quỳ tử 1 chén, Ngưu tất 30g, 2 thăng nước sắc còn 1 thăng (Thiên Kim Phương).
+ Đầy căng ngực bụng, đại tiểu tiện không thông muốn chết: dùng Đông quỳ tử tán bột trộn mỡ heo làm viên bằng hạt Ngô đồng, lần uống 50 viên (Thiên Kim Phương).
+ Tiểu ra huyết, dùng Đông quỳ tử 1 thăng, 3 thăng nước sắc, uống ngày 3 lần (Thiên Kim Phương).
+ Có thai đái lắt rắt, dùng Đông quỳ tử 1 thăng, 3 thăng nước sắc còn 2 thăng, chia ra uống, cũng có thể trị có thai xuống huyết (Thiên Kim Phương).
+ Đại tiện bón không thông, dùng Đông quỳ tử 3 thăng 4 thăng nước sắc còn 1 thăng uống khí nào đi được thì thôi, dùng thích hợp cho những người 10 ngày tới 1 tháng mới đi một lần (Trửu Hậu Phương).
+ Đại tiện bón không thông: dùng bột Đông quỳ tử, sữa người, hai vị bằng nhau trộn lại uống thì thông (Thánh Huệ Phương).
+ Kiết lỵ ra máu, Qùy tử tán bột lần uống 6g bỏ vào 3g Lạp trà nấu sôi uống, ngày 3 lần (Thánh Huệ Phương).
+ Đầy căng ngực bụng, đại tiểu tiện không thông muốn chết: dùng Đông quỳ tử 2 thăng, 4 thăng nước sắc còn 1 thăng, bỏ vào 1 cục mỡ heo bằng cái trừng gà, uống (Trửu Hậu Phương),
+ Đái lắt rắt không thông sau khi sinh, dùng Đông quỷ tử 1 chén, Phác tiêu 1 phân 8, 2 thăng nước sắc còn 8 chén, rồi bỏ mang tiêu uống (Tập Nghiệm Phương).
+ Trị khó đẻ, dùng Đông quy tử 1 chén đâm nát, 2 thăng nước sắc còn nửa thăng uống, lát sau thì sinh (Tập Nghiệm Phương).
+ Đẻ ngược cấm khẩu, dùng Đông quỳ tử sao vàng tán bột uống lần 6g với rượu (Sản Bảo Phương).
+ Mụn nhọt sưng không có miệng: lấy Đông quỳ tử 200 hạt nuốt với nước thì mở miệng (Thực Liệu Bản Thảo).
+ Mụn nhọt sưng không có miệng: chỉ nuốt một hạt thì phá, nuốt 2 hạt thì có 2 miệng (Kinh Nghiệm Phương).
+ Hạch ở háng, sưng tấy rồi chảy mủ không túm miệng (tiện độc), tiện độc giai đoạn đầu, dùng Đông quỳ tử tán bột, uống với rượu lần 6g (Nho Môn Sự Thân).
+ Giải độc Thục tiêu, dùng Đông quỳ tử nấy lấy nước uống (Thiên Kim Phương).
+ Trị sỏi đường tiểu: Đông quỳ tử, Hải kim sa, Kim tiền thảo, mỗi thứ 15g, Hoạt thạch, Xa tiền tử, mỗi thứ 30g, Cù mạch, Biển súc, mỗi thứ 12g, Đại hoàng 1,15g. Sắc uống. Đau nhiều thêm Xuyên luyện tử, Diên hồ sách, mỗi thứ 9g (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).
+ Trị sỏi đường tiểu: Đông quỳ tử 9g, Địa long 3g, Ngưu tất 6g, Hoạt thạch 9g. Sắc bỏ bã, gia Trầm hương 5 phân, Mang tiêu 6g. Tán bột uống với thuốc (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị tiểu khó, tiểu buốt: Đông quỳ tử 30g, mộc thông 15g, Sắc uống, (Đông Quỳ Tử Tán - Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị bệnh lâu ngày tân dịch bất túc, đại tiện khô sáp: Đông quỳ tử 12g, Hỏa ma nhân 12g, Úc lý nhân 12g. Sắc uống (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị vú sưng đau bế sữa, sữa không thông, sữa ít: Đông quỳ tử 12g, Vương bất lưu hành 12g, Lậu lô 15g, Hoàng kỳ 15g, Trư đề (móng chân heo) 2 cái. Sắc uống xong ăn Trư đề (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị sữa không xuống: Đông quỳ tử 3-15g. Sắc uống (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị điếc tai: Đông quỳ thảo (toàn cây), Hổ nhĩ thảo, mỗi thứ 7 chỉ, Thạch xương bồ 9g, Vương bất lưu hành 12g. Sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Tham khảo:
Đông quỳ tử tính hàn chất hạt, là thuốc nhuận hạ lợi khiếu, có thể thông lợi được đại tiểu tiện, lại có thể thúc sữa ra, tiêu sưng tấy. Công năng thông sữa của Đông quỳ tử giống với Mộc thông, Thông thảo. Chẳng hạn như đái nhiều, ỉa phân lỏng thì không dùng được. Vị này lại có thề làm cho hư thai, hễ đàn bà có thai mà không có phù thũng thì không nên uống (Trung Dược Học Giảng Nghĩa).