CỔ BÌNH
Còn gọi là hố lô trà, cây mũi mác, cây thóc lép, cây cổ cò
Tên khoa học Desmodiumdium trique-trum (L.) DC.
Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae.
Mô tả: Cây thảo cứng, cao 1-1,5m. Thân có 3 cạnh. Lá do một lá chét hình tam giác dài cụt hình tim ở gốc; cuống có cánh; lá kèm hình tam giác nhọn dạng vẩy, dài 1,5cm, màu nâu. Cụm hoa chùm kép ở nách lá và ở ngọn. Hoa màu hồng, xếp 1-2 cái một. Quả đậu có lông xám tro hay không, có số đốt thay đổi từ 4-5 tới 8-9, rộng từ 2-2,5 tới 4-5mm hay hơn. Có nhiều thứ khác nhau bởi quả có lông hay không, số đốt nhiều hay ít, rộng hay hẹp.
Mùa hoa tháng 6-9.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Tadehagii Triquetri
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc tới Philippin. Ở nước ta, cây mọc hoang ở rìa rừng, rừng thưa hay savan khắp nơi. Khi dùng thu hái toàn cây vào mùa hè, mùa thu, rửa sạch, chặt nhỏ dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Thành phần hóa học: Lá khô chứa 7,1 tới 8,6% tanin.
Tính vị, tác dụng: Cây có vị ngọt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, kiện tỳ tiêu thực, lợi niệu, sát trùng.
Công dụng: Thường dùng để trị: 1. Cảm mạo phát sốt nóng; 2. Viêm sưng họng, viêm mủ răng, viêm tuyến mang tai; 3. Viêm thận cấp; viêm gan vàng da; 4. Viêm ruột ỉa chảy, lỵ; 5. Bệnh giun móc, nhiễm trùng sán lá gan; 6. Trẻ em suy dinh dưỡng; 7. Nôn mửa khi có mang; 8. Ngộ độc dứa; 9. Lao xương và bạch huyết, nhiễm trùng âm đạo Trichomonas, nấm da cứng... Có người còn dùng chữa bệnh đau gan. Dân gian cho vào thịt, cá muối để phòng ruồi, giòi; phối hợp với các loại thuốc khác để diệt ruồi, muỗi. Lá khô cho vào quần áo để sát trùng. Ở Thái Lan, lá dùng chiết nước hay làm viên uống trị Trĩi và dùng uống thay trà. Thường dùng mỗi lần 15-60g đun sôi lấy nước uống.
Ðơn thuốc:
1. Viêm thận cấp, phù thũng: Dùng 60g cây Mũi mác sắc uống.
2. Nôn mửa khi có mang: Dùng 30g cây Mũi mác, sắc nước chia ngày uống 3 lần.