CÁ TRẮM
Thuộc bộ cá chép Cyprinoidei
A. Mô tả con vật
Có hai loại cá trắm là cá trắm đen và cá trắm cỏ.
Cá trắm đen thuộc loài cá nuôi cỡ lớn ở nước ta. Con lớn nặng nhất có thể tới 40-50kg. Cá lớn rất nhanh, sau 2 năm có thể nặng tới 3kg.
Cá trắm đen thuộc loại ăn tạp, ăn giun ấu trùng, côn trùng, đặc biệt thích ăn các loại nhuyễn thể lớn như trai, ốc, hến. Cá trắm đen sống ở tầng đáy, bộ răng phát triển mạnh nên có thể nghiền vỡ vỏ của nhuyễn thể cỡ lớn. Cá trắm đen có cách ăn khá đặc biệt, sau khi nghiền vỡ vỏ của nhuyễn thể, nó phun thức ăn ra ngoài và chỉ đớp lấy phần thịt.
Cá trắm cỏ hay cá trắm trắng cũng là loại cá nuôi cỡ lớn, có con nặng tới 35kg.
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Cả hai loại cá này được nhân dân nuôi trong hồ ao, ngòi, sông, chủ yếu để lấy thịt. Trước đây người ta chỉ hay dùng mật cá trắm đen, nhưng nay dùng cả mật cá trắm trắng.
Khi mổ cá lấy túi mật dùng tươi hay phơi sấy khô, có khi lấy nước mật tẩm vào giấy bản phơi hay sấy khô dùng dần.
C.Thành phần hoá học
Trong mật cá trắm đen và trắm trắng đều có những sterol tương tự như những sterol trong một số mật cá khác như cá chép, cá mè. Những chất khác và hoạt chất chưa rõ.
D. Công dụng và liều dùng
Mật cá trắm là một vị thuốc được dùng từ lâu đời trong nhân dân. Trong nam dược thần diệu của Tuệ Tĩnh có ghi mật cá trắm trị tắc họng, mắt mờ, đồng thời có giới thiệu đơn thuốc có sử dụng mật cá trắm như sau:
Chữa mắt đỏ kéo màng: Lấy nước mật cá trắm thường nhỏ vào mắt.
Chữa họng mọc mụn, sưng tê: Mật cá trắm một cái phơi khô, mỗi khi dùng chút ít, hòa với mật ong mà ngậm là thông.
Chữa mình sưng cứng như đá, đau đớn quá, không chịu nổi: Mật cá trắm 7 cái hoặc mật cá diếc cũng được, dùng lụa tơ tằm 8-12g đốt ra tro, nghiền nhỏ hòa với nước mật cá, lấy lông vịt phết thuốc vào, độ nửa giờ là mềm lại
Chữa đờm dãi trẻ con ủng trệ: Mật cá trắm 1 cái, khô phàn nửa phần, đại hoàng 1 ít. Sắc lá xương sông cho đặc lấy nước mài với 3 vị trên mà cho uống, lại lấy lông gà ngoáy vào cổ họng.