BÁN TAM BỘ KHIÊU(CÂY BÁN HẠ )
Tên khác:
Vị thuốc Bán hạ còn gọi Thủy ngọc, Địa văn (Bản Kinh), Hòa cô (Ngô Phổ Bản Thảo), Thủ điền, Thị cô (Biệt Lục), Dương nhãn bán hạ (Tân Tu Bản Thảo), Trỉ mao ấp, Trỉ mao nô ấp, Bạch bang kỷ tử, Đàm cung tích lịch (Hòa Hán Dược Khảo), Lão nha nhãn, Thiên lạc tinh, Dả vu đầu, (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), Tam bộ khiêu (Hồ Nam Dã Sinh Thực Vật), Ma vu quả (Liễu Châu Dân Gian Phương Dược Tập), Địa chu bán hạ (Côn Minh Dược Dụng Thực Vật Điều Tra Báo Cáo), Địa lôi công (Trung Dược Chí) .
Mô tả:
Bán hạ là loại thân củ. Củ hình tròn cầu hoặc tròn dẹt. Lá có cuống dài, về mùa xuân cây mọc 1-2 lá, dài 3-33cm, lá đơn chia làm 3 thùy, tùy theo tuổi cây mà lá mọc có khác nhau về hình dạng, cuống lá dài lá màu xanh, nhẵn bóng không có lông, lúc cây còn nhỏ lá đơn, hình trứng hay hình tim, đuôi nhọn mép lá nguyên hoặc hơi có làn sóng, gốc lá hình mũi tên, cây 2-3 tuổi lá có 3 thùy, hình bầu dục hay hình kim phình giữa, hai đầu nhọn. Cây 2-3 tuổi mới có hoa, hoa hình bông nở vào đầu mùa hạ, hoa có bao lớn, bao màu xanh, trong bao có hoa tự, hoa cái mọc ở phía dưới, màu xanh nhạt, hoa đực mọc ở bên trên, màu trắng, đoạn trên cong hoa đài nhỏ. Quả mọng hình bầu dục, dạng trứng.Phân bố Có nhiều ở Trung quốc, mọc hoang và trồng sản xuất. Nhân dân Trung quốc có tập quán cho Bán hạ sản xuất ở các tỉnh Hồ bắc, Hồ nam, An huy, Sơn đông có phẩm chất tốt nhất. Ở các tỉnh như Giang tô, Triết giang, Tứ xuyên, Vân nam, Quý châu, Giang tây, Quảng tây cũng có sản xuất vị này. Việt Nam còn phải nhập của Trung Quốc.
Tác dụng:
+ Táo thấp, hóa đàm, giáng nghịch, chỉ thổ
Chủ trị:
+ Trị ho suyễn, khí nghịch do đàm thấp thủy ẩm, thấp trệ trung tiêu, nôn mửa bụng đầy, đinh nhọt, sưng tấy, dùng sống tán bột, đắp ngoài.
Kiêng kỵ:
+ Đàn bà có thai, chứng táo nhiệt, không được dùng. Không có hàn thấp khí cấm dùng
+ Tính nó ghét Tạo giác, sợ Hùng hoàng, Gừng sống, Gừng khô, Tần bì, Quy giáp, Phản Ô đầu, kỵ máu dê, Hải tảo, Mạch nha, Đường.