THỔ CAO LY SÂM - THỔ NHÂN SÂM
Thổ nhân sâm, Sâm thổ cao ly, Sâm đất - Talinum patens (Gaertn.) Willd. (T. paniculatum (Jacq.) Gaertn.), thuộc họ Rau sam - Portulacaceae.
Mô tả: Cây thảo mọc đứng cao tới 0,6m, hoàn toàn nhẵn, phân nhánh nhiều ở dưới. Lá mọc so le, hình trái xoan thuôn hay hình trứng ngược, thót lại ở gốc thành cuống rất ngắn, dài 5-7cm, rộng 2,5-3,5cm, phiến lá dày, hơi mập, bóng cả hai mặt, mép lá hầu như lượn sóng. Hoa nhỏ, màu hồng, xếp thành chùm thưa ở ngọn thân và các nhánh, dài khoảng 30cm. Quả nhỏ, khi chín có màu đỏ nâu hay xám tro. Hạt rất nhỏ, dẹt, màu đen nhánh.
Ra hoa tháng 6-7, có quả tháng 9-10.
Bộ phận dùng: Rễ và lá - Radix et Folium Talini Patentis, thường gọi là Thổ nhân sâm.
Nơi sống và thu hái: Gốc ở Mỹ châu nhiệt đới, được trồng và cũng trở thành hoang dại ở nhiều nơi. Trồng bằng hạt hay bằng mấu rễ. Sau một năm đã có thể thu hoạch rễ củ, nhưng tốt nhất là sau 3 năm, có củ già. Ðào về, rửa sạch cắt bỏ rễ con. Lúc mới đào, rễ có màu hồng đẹp. Ðem phơi hay sấy khô và để lâu sẽ có màu đen xám. Khi dùng thái mỏng, tẩm nước gừng hoặc nước đường, đồ chín. Lá thu hái quanh năm, thường dùng tươi.
Thành phần hóa học: Trong rễ có các dẫn xuất phenolic.
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, tính bình; có tác dụng bổ trung ích khí, nhuận phế sinh tân.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa: Suy nhược ốm yếu, thể hư ra nhiều mồ hôi, tỳ hư ỉa chảy, ho do phổi ráo, đái dầm, kinh nguyệt không đều, thiếu sữa. Liều dùng 30-50g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị mụn nhọt, giã lá tươi đắp.
Đơn thuốc: Chữa sau khi ốm lâu, cơ thể hư nhược, nhọc mệt gầy yếu, sưng phổi, đái són, kinh nguyệt không đều: dùng mỗi lần 40-80g củ, sắc uống. Hoặc dùng 20-30g củ, phối hợp với các vị thuốc khác.
Ghi chú: Lá cũng làm rau ăn như rau Sam, rau Mồng tơi.