THÔNG THẢO
Mô tả: Cây gỗ hoặc cây gỗ nhỏ cao 2-6m. Thân cứng, giòn, có lõi xốp trắng (tuỷ). Lá to, chia thành nhiều thùy, có khi cắt sâu đến giữa lá, mép có răng cưa to hay nhỏ, gân gốc 5-7. Cuống hoa hình tán, họp thành chuỳ cao 40cm, có lông. Hoa có 4 cánh hoa màu lục, bầu 2 ô, 2 vòi nhuỵ. Quả dẹt hình cầu, màu tía đen, có 8 cạnh.
Hoa tháng 10-12.
Bộ phận dùng: Lõi thân - Medulla Tetrapanacis, thường gọi là Thông thảo. Rễ, nụ hoa cũng được dùng.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở rừng ẩm Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn tới Đắc Lắc. Cũng phân bố ở Trung Quốc. Người ta thu lõi của cây mọc 2-3 năm. Vào tháng 9-11, chặt lấy thân cây đem về chia thành từng đoạn dài 30cm hay hơn, phơi khô, rồi dùng một gậy gỗ thân tròn, đường kính bằng lõi cây Thông thảo để đẩy lõi ra. Sau đó lại tiếp tục phơi cho thật khô chứ không sấy. Khi dùng thái lát mỏng.
Thành phần hóa học: Có inositol, còn chứa polysaccharit, lactose, acid galacturonic.
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn. Lõi thân có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, thông khí hạ nhũ, thanh nhiệt giải độc, trấn khái. Rễ có tác dụng hành khí, lợi thuỷ, tiêu thực, thúc sữa.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa bệnh sốt khát nước, ho, làm thuốc lợi sữa. Ngày dùng 3-10g, dạng thuốc sắc.
Ở Trung Quốc, người ta dùng chữa bệnh đái đỏ, bệnh lậu đái buốt, Thủy thũng đái ít và phụ nữ cho con bú không thông sữa, tỳ lạnh mắt mờ, mũi tắc. Rễ dùng trị Thủy thũng, bệnh lâm, thực tích, trướng bụng, tuyến sữa không thông. Hoa dùng trị con trai âm nang trễ xuống.
Đơn thuốc: Lợi sữa: Thông thảo 10g, cám gạo nếp 10g, hạt Bông (sao vàng) 15g, nước 300ml, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.