THIÊN ĐẦU THỐNG
Thiên đầu thống, Ong bầu, Trái keo - Cordia dichotoma Forst. f. (C. obliqua Wall.), thuộc họ Ngút - Cordiaceae.
Mô tả: Cây gỗ cao 3-8m, với nhánh trắng trắng. Lá xoan, tròn hay gần như hình tím ở gốc, tròn hay hơi thót lại và tù ở chóp, dài 7-15cm, rộng 5-8cm, cứng, hơi dai, nhẵn ở mặt trên, có lông mềm ở mặt dưới. Hoa nhỏ, trắng nhiều, thành cụm hoa hình tháp hay dạng ngù ở ngọn hoặc ở đầu các nhánh bên ngắn, dài 10cm. Quả hình trứng, nhẵn, bóng, khi chín màu vàng hay hồng nhạt với hạch trắng, dài 25mm hay hơn, mang đài tồn tại; hạch cứng, có 2-4 ô trong lớp nạc nhớt như keo; đài mang hoa phình to.
Hoa tháng 4-6, quả tháng 9-10.
Bộ phận dùng: Rễ, quả - Radix et Fructus Cordiae Dichotomae.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Việt Nam, Campuchia tới châu Ðại Dương. Thường gặp ở vùng đồng bằng và trung du nhiều nơi của nước ta, cùng thường được trồng lấy bóng mát. Thu hái các bộ phận của cây quanh năm. Dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hóa học: Vỏ chứa 20% tanin. Quả chứa một chất nhầy và nhớt dính.
Tính vị, tác dụng: Quả có tác dụng trừ giun, lợi tiểu, làm nhầy long đờm, nhuận tràng. Lá có tác dụng tiêu viêm giảm đau. Vỏ có tác dụng hạ nhiệt. Ở Trung Quốc, rễ và quả được xem như có vị hơi ngọt, tính bình; có tác dụng hành khí chỉ thống, hoá đàm chỉ khái.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả ăn được. Ở Ấn Độ, dùng trị bệnh đường tiết niệu, bệnh về phổi và lá lách.
Dịch vỏ trị cúm. Vỏ sắc uống dùng trị đầy hơi và sốt, người ta thường sắc uống xem như là bổ. Ở Java thường dùng phối hợp với vỏ Lựu để trị lỵ và sốt rét.
Hạch quả tán bột dùng đắp trị bệnh nấm tóc.
Lá dùng đắp trị ung nhọt và trị đau đầu. Cũng dùng trị các loại viêm và u bướu. Có nhiều nơi dùng chữa bệnh thiên đầu thống.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ và quả dùng trị tâm vị khí thống, thấp nhiệt ỉa chảy, viêm nhánh khí quản cấp và mạn tính. Ở Quảng Tây, rễ dùng trị đau xoang dạ dày, viêm dạ dày ruột.
Đơn thuốc: Trị thiên đầu thống: Lá Thiên đầu thống khô 8-12g sắc uống. Ðồng thời lấy lá tươi giã nhỏ đắp vào thái dương (Kinh nghiệm dân gian ở Vĩnh Phú).