XƯƠNG RỒNG ÔNG
Tên khác của Xương rồng ông:
Còn gọi là Xương rồng ba cạnh, xương rồng, bá vương tiêm, hóa ương lặc
Tên khoa học - Euphorbia antiquorum L., thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae.
Mô tả: Cây nhỏ mọng nước, cao 1-3m hay hơn, phân nhiều cành. Cành có 3 cạnh lồi. Lá nhỏ, mọng nước, mọc ở trên cạnh lồi của cành, cuống rất ngắn. Hai lá kèm biến thành gai. Cụm hoa mọc ở những chỗ lõm của mép cành, có 1-7 bao chung, họp thành ngù; mỗi bao chung nằm trên 2 lá bắc phân thùy rộng, các tuyến mật chẻ đôi. Trong bao chung có nhiều nhị tương ứng với các hoa đực thoái hóa và một nhụy ứng với một hoa cái. Quả nhỏ màu xanh, có 3 mảnh, mang vòi nhụy tồn tại.
Cây ra hoa tháng 3-4.
Bộ phận dùng: Thân, lá, nhựa, nhị hoa - Caulis, Folium, Latex et Stamen Euphorbiae Antiquori.
Nơi sống và thu hái: Loài cổ nhiệt đới, được trồng làm hàng rào và làm cây cảnh. Trồng bằng cành. Thu hái thân cành quanh năm, bóc lấy vỏ và bỏ gai, nướng tới khi có màu nâu hoặc rang với gạo cho tới khi có màu nâu. Nhựa chích từ cây tươi.
Thành phần hóa học: Thân Xương rồng chứa các triterpenoid: taraxerol, taraxerone, friedelan-3a-ol, friedelan-3b-ol, epifriedelanol. Còn có các acid citric, tartric và fumaric. Nhựa cây Xương rồng chứa euphorbol, euphol, b-amyrin. cycloartenol. Rễ cũng chứa taraxerol.
Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính hàn, có độc. Thân cây có tác dụng tiêu thũng, thông tiện, sát trùng; lá có tác dụng thanh nhiệt, hóa trệ, giải độc hành ứ; nhựa cây có tác dụng tả hạ trục thuỷ, chống ngứa; nhị hoa có được thanh nhiệt tiêu thũng. Ở Ấn Độ, cây được xem như có tác dụng xổ, lợi tiêu hóa; vỏ rễ có tác dụng xổ; nhựa cây có tác dụng xổ, kích thích. Ở Thái Lan, lõi gỗ khô của cây được xem như có tác dụng hạ nhiệt, nhựa cây gây xổ.
Công dụng, chỉ định và phối hợp:
Ta thường dùng cành chữa Đau răng, sâu răng và mụn nhọt. Ðể chữa đau răng người ta lấy cành Xương rồng, cạo bỏ gai đem nướng nóng rồi giã nát, loại bỏ xơ, thêm muối vào lấy nước ngậm. Ðể chữa đinh nhọt, viêm mủ da, dùng thân Xương rồng hơ trên lửa và đắp vào chỗ bị thương.
Ở Trung Quốc, người ta dùng thân cây trị viêm dạ dày ruột cấp, sốt rét, đòn ngã, sưng đau. Dùng ngoài trị đinh nhọt, viêm mủ da và bệnh ecpet mảng tròn. Còn dùng chữa Đau răng, sâu răng, làm thuốc sát trùng, diệt sâu bọ và trị ghẻ. Lá có thể trị nhiệt trệ gây tiết tả, có thể trị đòn ngã và bệnh bí đại tiện, tiểu tiện do ứ tích gây ra, chữa đinh sang. Nhựa được dùng chữa xơ gan cổ trướng và nấm ngoài da. Liều dùng thân 3-6g, sắc nước uống. Dùng ngoài lấy nhựa bôi, xoa ngoài.
Ở Ấn Độ, nước sắc thân dùng trị bệnh thống phong; nhựa cây được dùng trong điều trị bệnh Thấp khớp, Đau răng, bệnh đau thần kinh, phù thũng, bại liệt, điếc tai, làm mưng mủ mụn nhọt và dùng ngoài trị một số bệnh ngoài da.
Ở Thái Lan, người ta dùng nhựa tươi để trị mụn cóc.