Tai quả hồng (còn được gọi là thị đế) phơi hay sấy khô được dân gian dùng làm thuốc chữa ho, nấc, đi tiểu đêm. Liều dùng mỗi ngày 6-10 g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Trong quả hồng xanh có chất tanin làm cho quả có vị rất chát. Khi hồng chín, vị chát đó hầu như mất đi. Quả hồng chín có màu vàng hoặc đỏ thẫm. Thịt và tai quả hồng đều được dùng làm thuốc.
Theo Đông y, tai hồng (thị đế) vị đắng, tính ôn, có tác dụng chữa đầy bụng, nấc. Dùng đơn thuốc sau: thị đế 8 g, đinh hương 8 g, sinh khương 5 lát, nước 600 ml, sắc còn 200 ml, chia nhiều lần uống trong ngày. Có thể thêm các vị trần bì 4 g, thanh bì 4 g, bán hạ 2 g cũng để chữa nấc hoặc đầy bụng không tiêu.
Khi dùng đơn thuốc trên, có thể gia giảm vị đinh hương và thị đế, nếu nóng nhiều thì giảm đinh hương, tăng thị đế, nếu lạnh nhiều thì giảm thị đế, tăng đinh hương. Tuy nhiên, không dùng đinh hương quá 10 g.
Thịt quả hồng dùng làm thuốc ở hai dạng sau:
- Thị sương: Là chất đường trong quả hồng. Khi làm mứt hồng, chất đường tiết ra được thu thập lấy, gọi là thị sương. Cho vào nồi đun nhỏ lửa, khi thành đường thì đổ vào khuôn, phơi cho se rồi dùng dao cắt thành miếng, đem phơi khô hẳn. Dân gian thường dùng thị sương chữa đau họng, ho.
- Thị tất: Là nước ép quả hồng khi còn xanh, phơi hay sấy khô, thường dùng làm thuốc chữa tăng huyết áp.