Dây Quai Bị
Dây quai bị, Dây dác, para - Tetrastigma strumarium Gagnep., thuộc họ Nho - Vitaceae.
Mô tả: Dây leo, thân hơi dẹp; tua cuốn đơn. Lá mang 5 lá chét, từng đôi lá chét bên trên một cuống phụ chung, phiến lá dày như da, mặt dưới mốc, gân phụ 4-5 cặp, khó nhận, mép có 4-5 răng tù. Ngù hoa ngắn ở nách lá; hoa trắng, thuôn; cánh hoa dài 2,5mm. Quả mọng tròn tròn, vàng vàng, to cỡ 1,5cm; hạt 2-3.
Ra hoa vào tháng 3-4, có quả tháng 8-11.
Bộ phận dùng: Lá - Folium Tetrastigmae Strumarii.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở các lùm bụi, bờ rào và rừng còi, nhiều nơi ở Cao Bằng, Quảng Ninh, Hoà Bình, Hà Tây, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng tới Ninh Thuận. Còn phân bố ở Campuchia, Philippin. Thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá tươi giã nhỏ vắt lấy nước uống chữa sốt, Nhức đầu; bã còn lại đem nấu và xoa bóp khắp người như kiểu đánh gió. Cũng thường dùng chữa quai bị, nhọt mủ, gẫy xương, lấy 50-100g lá tươi giã đắp.
Đơn thuốc:
1. Chữa gẫy xương; dùng lá Dây quai bị phối hợp với lá Đại bi, củ Sả, lá Náng hoa trắng, lá Dâu tằm, gà con mới nở, xôi nếp, cùng giã đắp bó.
2. Chữa viêm tai giữa, dùng lá Dây quai bị giã nát lấy nước nhỏ vào tai.