Vi thu Chi tử còn gọi Sơn chi tử (TQdhđtđ), Mộc ban (Bản kinh), Việt đào (Biệt Lục), Tiên chi (Bản Thảo Cương Mục), Chi tử, Tiên tử, Trư đào, Việt đông, Sơn chi nhân, Lục chi tử, Hồng chi tử, Hoàng chi tử, Hoàng hương ảnh tử (Hòa Hán Dược Khảo), Dành dành (Việt Nam).
Họ khoa học:
Họ Cà Phê (Rubiaceae).
Mô tả:
Cây nhỏ, nhẵn, cành mềm khía rãnh dọc, lá mọc đối hay mọc vòng 3, hình thuôn trái xoan, đôi khi bầu dục dài, tù và có mũi nhọn ở đỉnh, hình nêm ở gốc, màu nâu đen bóng ở trên mặt, nhạt hơn ở mặt dưới, dai, gân mảnh nổi rõ, lá kèm mềm, nhọn đầu ôm lấy cả cành như bẹ. Hoa mọc đơn độc ở đầu cành, trắng, rất thơm. Cuống có 6 cạnh hình cánh. Đài 6, thuôn nhọn đầu, ống đài có 6 cánh dọc. Tràng 6, tròn ở đỉnh, ống tràng nhẵn cả hai mặt. Nhị 6, chỉ ngắn, bao phấn tù. Bầu 2 ô không hoàn toàn, vòi dài bằng ống tràng noãn rất nhiều. Quả thuôn bầu dục có đài còn lại ở đỉnh, có 6-7 cạnh dọc có cánh. Hạt rất nhiều, dẹt. Ra hoa từ tháng 4-11. Quả tháng 5-12.
Địa lý:
Mọc hoang và được trồng khắp nước có nơi dùng làm cây cảnh hoặc trồng để nhuộm.
Phần dùng làm thuốc:
Dùng quả phơi khô [gọi là Chi tử] (Fructus Gareniae).
Thu hái:
Vào sau tiết Hàn lộ hàng năm, quả chín liên tục, lúc này vỏ quả ngả dần thành màu vàng lá có thể hái được, hái quả sớm hay quá muộn đều có thể ảnh hưởng tới phẩm chất, nên hái bằng tay.
Mô tả dược liệu:
Quả Chi tử khô hình trứng hoặc bầu dục, hai đầu nhỏ dần khoảng 15-18mm không tính dài khô ở đỉnh, thô khoảng 9-12m, phấn trên có 6 lá đài tồn tại, teo hình mũi mác, nhỏ dài thường không toàn vẹn, vỏ quả ngoài cấu thành bởi hai đài liền tồn tại, chung quanh có 6 cạnh dọc hình sợi, phần dưới có gốc tàn cuống quả. Vỏ ngoài màu vàng đỏ hoặc nâu hơi bóng mượt, có nhiều gân nhỏ, và quả chất cứng mỏng, nửa trong suốt, trong có hai buồng gồm nhiều hạt hình tròn trứng, dẹt, phẳng, vỏ hạt màu đỏ vàng, ngoài có vật chặt dính đã khô, giữa chúng liên kết thành khối hơi có mùi thơm đặc biệt.
Chi tử lấy loại nhỏ, vỏ mỏng màu vàng đỏ là thượng phẩm. Thường dùng loại mọc ờ vùng rừng núi, quả nhỏ chắc nguyên quả, vỏ mỏng vàng, trong đỏ thẫm có nhiều hạt, thơm khô không mốc mọt, không lẫn tạp chất là tốt. Còn Chi tử nhân là hạt đã được bóc sạch vỏ quả, màu nâu vàng hay đỏ hồng, không vụn nát là tốt (Dược Tài Học).
Bào chế:
+ Hái trái về bỏ tai và vỏ, chỉ lấy hạt, ngâm với nước sắc Cam thảo một đêm, vớt ra phơi khô tán bột dùng (Lôi Công Bào Chích Luận).
+ Trị bệnh ở thượng tiêu, trung tiêu thì dùng cả vỏ xác, trị hạ tiêu thì bỏ vỏ xác rửa sạch nước màu vàng rồi sao mà dùng, trị bệnh thuộc huyết thì sao đen dùng (Đan Khê Tâm Pháp).
+ Sau khi hái về phơi hoặc sấy khô ngay, nếu sấy thì lúc đầu lửa to về sau nhỏ dần, đảo trộn nhẹ để làm vỏ quả không bị trầy sát, cũng đề phòng tình trạng ngoài khô trong ướt, dễ thối mốc (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Quả chín kẹp lẫn với ít phèn chua, cho vào nước sôi cùng nấu độ 20 phút, vớt ra phơi khô vỏ, lại sấy khô cho giòn. Khi dùng muốn dùng sống, sao hoặc đốt cháy tùy từng trường hợp (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược)