TÍA TÔ DẠI
Tía tô dại, Hoắc hương dại, É lớn tròng - Hyptis suaveolens (L.) Poit.,
Thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae.
Mô tả: Cây thảo cao 0,5-2m, có lông nhiều. Lá có cuống dài, phiến lá hình trứng, mép có răng cưa, có lông ở cả hai mặt. Cụm hoa xim ở nách lá, có cuống ngắn hơn lá. Hoa màu xanh hơi tím. Đài hoa có lông, 10 cạnh, 5 răng như kim. Tràng có 2 môi. Quả bế tư, hơi dẹt.
Bộ phận dùng: Thân, lá - Caulis et Folium Hyptidis Suaveolentis.
Nơi sống và thu hái: Cây của Mỹ châu nhiệt đới, được truyền vào nước ta, mọc ở các bãi đất hoang, ven đường đi, nơi khô ráo. Có thể thu hái toàn cây tươi, cắt bỏ rễ, hoặc dùng rễ để riêng, chặt nhỏ, phơi khô hay sấy khô, có khi chỉ dùng lá phơi khô.
Thành phần hóa học: Trong cây tươi có 1-1,5% tinh dầu, trong đó có sabinen, limonen, azulen sesquiterpen và alcol sesquiterpen. Trong lá tươi có tinh dầu mà thành phần chính là camphen, g-terpinen, b-pinen, limonen, fenchen; còn có 5 terpen, 10 sesquiterpen và 5 diterpen chưa xác định.
Tính vị, tác dụng: Vị cay, đắng, tính ấm; có tác dụng lưu phong tán ứ, giải độc định thống.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa cảm sốt, đau đầu, đau dạ dày, ruột chướng khí, đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy. Còn dùng trị lỵ ra máu, ra mủ, sưng vú. Dùng ngoài để cầm máu vết thương, chấn thương, bệnh viêm da, eczema, rắn cắn.
Ở Trung Quốc, thân lá cây được dùng trị cảm mạo, phong thấp, thấp chẩn, đòn ngã gẫy vết thương.
Cách dùng: Ngày dùng 8-12g phần cây trên mặt đất, dưới dạng thuốc sắc hay hãm uống, dùng riêng hay phối hợp với Hương nhu, Kinh giới. Nước sắc của cây dùng rửa trị phát ban, viêm da, eczema. Dùng tươi giã đắp trị rắn cắn, rết cắn, đắp nơi viêm tấy sưng đỏ, lở loét. Để cầm máu vết thương, dùng lá Tía tô dại (1 phần), lá cây Ngoi hay La (2 phần) giã nát và đắp rồi dùng gạc băng lại. Rễ sắc uống giúp ăn ngon, làm thuốc điều kinh và kích thích làm toát mồ hôi, và thường dùng làm thuốc kích thích sự điều tiết sữa.