TỎI RỪNG
Tỏi rừng, Tỏi đá - Aspidistra typica Baill., thuộc họ Hoàng tinh - Convallariaceae.
Mô tả: Cây thảo có thân rễ to, phân nhánh, bò. Lá mọc từ gốc, nhiều, xếp 2 dãy; phiến bầu dục mũi mác dài 20cm, rộng 7-9cm, gân 5 ở mỗi bên; cuống dài 10-30cm. Cụm hoa mọc từ gốc, dạng cán hoa có vẩy mang nhiều hoa, lúc đầu nằm dưới đất, xếp thành xim một ngả, lá bắc nhiều; nụ hình cầu, màu lục nhạt có đốm tía; bao hoa hình chuông có 3 lá đài và 3 cánh hoa vặn; nhị 6, không có chỉ nhị, bao phấn thuôn, bầu trên, nom như mũ nấm, 3 ô, mỗi ô chứa 2 noãn. Quả mọng tròn chứa 1 hạt.
Hoa tháng 2-4, có khi tháng 11.
Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Aspidistrae Typicae.
Nơi sống và thu hái: Loài của Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Cây mọc ở hốc mùn, sườn núi đá trong rừng ở Uông Bí (Quảng Ninh), rừng Cúc Phương (Ninh Bình).
Tính vị, tác dụng: Vị cay, đắng, tính ấm; có tác dụng tư âm nhuận phế trừ ho, thanh nhiệt giải độc, sinh tân tiêu khát, hoạt huyết tán ứ, tiếp cốt, chỉ thống.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc, thân rễ của cây được dùng trị lỵ, sốt rét, phong thấp tê đau, thận hư lưng gối đau, đòn ngã tổn thương, gãy xương, rắn độc cắn. Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc; dùng ngoài giã đắp.
Ghi chú: Không nên dùng cho phụ nữ có thai