RAU ĐẮNG
Còn gọi là biển súc, cây càng tôm, cây xương cá.
Tên khoa học Polygonum aviculare L.
Thuộc họ Rau răm Polygonaceae
Trong tài liệu cổ, rau đắng (biển súc) có vị đắng, tính bình, không độc; tác dụng lợi tiểu, sát trùng, dùng trong những trường hợp thấp nhiệt, lâm bệnh, ác thương. Trong nhân dân: Rau đắng được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa tiểu buốt, sỏi thận, giải độc, chữa rắn cắn, mụn nhọt, vàng da. Ngày dùng 6-12 g (khô) dưới dạng thuốc sắc. Có thể dùng tươi, sao khô rồi sắc uống. Dùng ngoài giã nát đắp không kể liều
Ngày uống 12 g rau đắng phơi hay sấy khô dưới dạng thuốc sắc. Chữa tiểu tiện khó khăn, tiểu buốt, tiểu ra sỏi cạn.
Rau đắng khô 12 g, hoạt thạch 10 g, mộc thông 5 g, xa tiền thảo (cây mã đề) 8 g, nước ba bát, sắc còn một bát. Chia 3 lần uống trong ngày. Chữa viêm bàng quang, viêm đường tiểu tiện, tiểu buốt.
Rau đắng làm mát gan do kích thích tiết mật, thông tiểu, nhuận tràng; dùng trong trường hợp nóng nảy trong người làm lở miệng, viêm nha chu, chảy máu răng; dùng lá rau đắng xông hơi trị ho cảm và Viêm phổi; nước rau đắng uống nhiều lần trong ngày trị ngừa sạn thận và sỏi mật...
Trong họ rau đắng, ăn ngon nhất là rau đắng đất. Rau đắng đất là loại cây thân thảo, nhỏ bằng que tăm, mọc bò dưới đất trong vườn nhà hay bờ ruộng. Lá rau đắng đất giống những chiếc lông chim màu xanh lục, bé bằng móng tay út, mọc từng đôi quanh thân cây.
Rau đắng đất dùng để nấu canh hoặc ăn sống. Rau đắng đất mới ăn thì đắng, ăn quen sẽ thấy ngon ngọt không thể nào quên. Rau đem về nhặt lấy phần ngọn non mướt, rửa sạch để vào rổ cho ráo nước.