NAM SÂM
Còn có tên là sâm nam, cây chân chim, kotan, ngũ chỉ thông, áp cước mộc, nga chưởng sài.
Tên khoa học Schefflera octophylla Harms.
Thuộc họ ngũ gia bì Araliaceae.
Ta dùng thân lá và rễ của cây chân chim làm thuốc.
A. Mô tả cây
Cây nhỏ hoặc cây to có thể cao từ 2-8m. Lá kép hình chân vịt, mọc so le có 6-8 lá chét, cuống lá dài 8-30cm, lá chét nguyên hình trứng, đầu nhọn hay hơi tù dài 7-17cm, rộng 3-6cm, cuống lá chét ngắng 1.5-2.5cm. Cuống lá chét giữa dài hơn đo được 3-5cm. Cụm hoa chùy hoặc chùm tán. Hoa nhỏ màu trắng, số cánh hoa và nhị bằng nhau thường là 5, bao phấn 2 ngăn bầu hạ có 5-6 ngăn. Quả mọng hình cầu, đường kính 3-4mm. Khi chín có màu tím sẫm đen, trong có 6-8 hạt. Mùa hoa nở thu đông.
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Mọc rải rác khắp nơi ở Việt Nam, nhiều nhất tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai... Rễ đào về rửa sạch đất cát, bóc lấy vỏ hoặc thái mỏng nếu lá rễ nhỏ, phơi hay sấy khô.
C.Tác dụng dược lý
1. Về mặt độc tính: Nam sâm có LD50 là 53.5g/kg thể trọng trong khi nhân sâm có LD50 là 22g/kg, tam thất là 9g/kg thể trọng. Vậy theo thực nghiệm Nam sâm ít độc hơn những loại thuốc khác cùng họ.
2. Mặt khác qua một số thí nghiệm các tác giả cho rằng phải dùng nam sâm với liều tương đối cao thì mới có tác dụng.
D. Công dụng và liều dùng
Tại một số vùng nhân dân đào rễ về rửa sạch thái mỏng phơi khô pha hoặc sắc với nước uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác làm thuốc bổ, thuốc mát, thông tiểu tiện. Liều dùng 6-11g.