NHÃN HƯƠNG
Nhãn hương, Kiều đậu - Melilotus suaveolens Ledeb., thuộc họ Đậu - Fabaceae.
Mô tả: Cây thảo mọc đứng, cao 60-90cm, nhánh mảnh không lông. Lá có 3 lá chét, lá chét hình trái xoan ngược thuôn, lá phía trên thuôn dài, dài từ 12-15mm, gân phụ mảnh, 9-19 cặp, mép có răng ở phần trên, lá kèm đính vào cuống. Chùm hoa cao 3-10cm, hoa nhỏ màu vàng hay trắng. Quả hình trái xoan - bầu dục, cao 3-5mm, nhăn nheo nhiều, khi chín màu đen, chứa 1-2 hạt bầu dục.
Hoa tháng 4-5, quả tháng 6.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Meliloti Suaveolentis.
Nơi sống và thu hái: Loài cây của Âu châu, Bắc Mỹ và Á châu. Ở nước ta, cây phân bố rải rác ở nhiều tỉnh, thường gặp mọc hoang ở Vĩnh Phú, Hoà Bình tới Ninh Bình và các bãi đất bồi ven sông Hồng, ven sông Đáy. Thu hái ngọn, thân và hoa vào mùa hạ, thái ngắn, phơi khô. Rễ thu hái cuối mùa hạ, đầu mùa thu, rửa sạch, phơi khô.
Thành phần hoá học: Cây chứa coumarin.
Tính vị, tác dụng: Lá khô thơm mùi nhãn. Toàn cây có vị cay, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, kiện vị hoá thấp, lợi niệu, sát trùng. Rễ có vị hơi đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Công dụng: Toàn cây dùng trị: đau mắt, Kiết lỵ, sốt rét, miệng hôi thối và chứng đau đầu, cảm sốt. Liều dùng: 12-20g, sắc uống.
Rễ dùng trị: lâm ba kết hạch. Dùng 40-80g rễ ngâm trong 1 lít rượu trắng. Một tuần sau, dùng mỗi lần một chén nhỏ; ngày dùng 3 lần.
Đơn thuốc:
1. đau mắt: Ngọn cây có hoa phơi khô 50-100g hãm với 100ml nước sôi, để nguội, rửa mắt; ngày hai lần.
2. viêm họng khản tiếng: Toàn cây 20-30g, nấu nước rồi xông, hít.
3. Sốt rét: Nhãn hương 30g, sắc nước uống, dùng 4 giờ trước khi có cơn sốt.